Tiêu chuẩn chất lượng nước của các quốc gia trên thế giới được xây dựng dựa theo mục đích sử dụng khác nhau như nước uống, nước sinh hoạt, nguồn nước cho các loài cá, nhuyễn thể (hến, trai, ốc…), nước cho vui chơi giải trí, thể thao, nước cho nông nghiệp, công nghiệp và các mục đích khác.
Các tiêu chuẩn này thường dựa vào các chỉ tiêu hóa lý, hóa sinh thể hiện mức độ ô nhiễm chất hữu cơ (nồng độ oxy hòa tan DO, nhu cầu oxy sinh hóa BOD, nhu cầu oxy hóa học COD) và ô nhiễm chất dinh dưỡng (nitơ, phốt pho), các chỉ tiêu vật lý (độ đục, tổng chất rắn lơ lửng, độ màu…), các chỉ tiêu vi khuẩn gây bệnh (coliform…), các chỉ tiêu kim loại độc (chỉ, thủy ngân…).
Chất lượng một nguồn nước sạch cơ bản tối thiểu phải đảm bảo các chỉ tiêu vi khuẩn gây bệnh và kim loại độc ở mức cực nhỏ (thấp hơn mức tối đa cho phép hoặc bằng không) để không ảnh hưởng tới sức khỏe con người, sức khỏe các loài thủy sinh, sức khỏe hệ sinh thái, đảm bảo sự an toàn cho con người khi tiếp xúc với nguồn nước.
Theo Luật Nước sạch của Hoa Kỳ, nước sạch là nước có chất lượng phù hợp cho việc bảo vệ và bảo đảm sự sinh sôi của các loài thủy sinh, động vật hoang dã và cho các hoạt động giải trí của con người dưới hoặc trên mặt nước.
Tại Việt Nam, chất lượng nước mặt được xác định theo 36 thông số khác nhau, phân thành các loại A1, A2, B1, B2 cụ thể:
- A1: Sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt (sau khi áp dụng xử lý thông thường), bảo tồn động thực vật thủy sinh và các mục đích khác
- A2: Sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng phải áp dụng công nghệ xử lý phù hợp và các mục đích khác
- B1: Sử dụng cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi hoặc các mục đích khác có yêu cầu chất lượng nước tương tự
- B2: Sử dụng cho mục đích giao thông thủy hoặc các mục đích khác có yêu cầu chất lượng nước thấp
Ngoài các chỉ tiêu hóa lý, hóa sinh, chất lượng nước còn được thể hiện thông qua chỉ tiêu chất lượng nước tổng hợp WQI.